Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Bạo hành thuở đang yêu

http://www.nld.com.vn/210597P0C1030/bao-hanh-thuo-dang-yeu.htm
Cả khu trọ chủ yếu cho công nhân thuê nằm trong con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo trên đường Nguyễn Văn Quỳ, Q.7-TPHCM tỉnh giấc trưa bởi tiếng đấm đá và kêu khóc ngày càng dữ dội từ căn phòng phía ngoài cùng của dãy nhà trọ. N. một tay cầm chiếc lược răng thưa, một tay nắm tóc T. kéo sền sệt ra trước cửa phòng. Cô gái càng la hét, chàng trai lực lưỡng càng đạp, tát: “Mày có im mồm đi không!”. Tiếng khóc của T. nhỏ dần rồi biến thành tiếng nấc

Chưa cưới đã chịu “ăn đòn”

Nhưng cuộc tra tấn của N. đối với người yêu chưa dừng lại ở đó. Vào phòng, N. bắt T. nằm lên giường. Xen kẽ với những câu hỏi là những cái bạt tai. Không chịu được, T. tru tréo: “Nói chuyện thì nói, sao mày lại đánh tao!”. Cô nhận được câu trả lời là: “A, mày cãi tao à. Bốp!”.

Những công nhân thuê trọ gần đấy cho biết, N. và T. quê ở Thanh Hóa và đều là công nhân Khu Chế xuất Tân Thuận. Họ thuê nhà sống cùng nhau đã gần 1 năm nay. Mỗi lần xảy ra xích mích, N. đánh T. rất dã man. Cả dãy nhà trọ có gần 10 phòng cho thuê không có chủ ở cùng, nên nhiều khi biết đôi vợ chồng.... chưa cưới đánh nhau nhưng không ai dám can thiệp. Đáng thương cho T., sau mỗi trận đòn, mặt mày lại sưng húp, tím bầm.

Cách đó không xa, một cặp sinh viên khác là H. và V. cũng thuê nhà ở cùng nhau. H. thường xuyên đánh người yêu khi có chuyện không vừa lòng. Tình cờ gặp V. khi đến thăm một người bạn cũng khu trọ này, V. đang ngồi soi gương trước cửa, môi tụ máu: “Tính em bướng, ảnh lại khùng, ảnh nói một câu, em nói một câu, thế là ảnh đánh”. Nguyên nhân của những trận đòn mà V. phải chịu đựng: đi chơi không nói với H., về muộn so với giờ hẹn, cãi lại... Có khi thấy H. chở cô khác ngoài đường, V. cằn nhằn, H. sửng cồ, thế là vêu mặt. Tỉ lệ đánh người yêu hoặc gây sự một cách thô lỗ của H. gần như một lần/tuần. Những người thuê phòng gần đó rất bất bình, không chỉ vì hành động đánh người yêu của H. mà còn vì thái độ cam chịu của V. khi hai người “chưa là gì” của nhau.

Chấp nhận để giữ người yêu?

Nạn bạo hành thường xảy ra trong trường hợp các cô gái sống phụ thuộc người yêu về mặt tài chính, nhưng cũng có trường hợp vì quá yêu mà họ chấp nhận một cách mù quáng những hành động của người yêu cốt giữ được tình yêu trong hoàn cảnh thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm do sống xa nhà. Một số trường hợp khác, khi sống chung, người đàn ông phát hiện quá khứ của người mình yêu có “vấn đề” và coi đó là cái cớ để hành hung người yêu bất cứ lúc nào. Dù sớm biết mình đã yêu phải một kẻ vũ phu, nhưng các cô gái vẫn “ngậm đắng, nuốt cay” cầu mong một ngày “nó” thay tính, đổi nết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần do trọ cùng nhiều đôi du thủ, du thực nên những cặp tình nhân ngoại tỉnh cũng dễ bị nhiễm tính tình của loài chim diều, chim ưng. Cả khu trọ tồi tàn nằm sâu trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7- TPHCM không ai biết D. chính thức làm nghề gì. D. hay đi sớm về muộn và giao du với đám thanh niên có vẻ rất ăn chơi. Phòng D. thường là nơi tụ tập bài bạc, rượu chè của đám thanh niên này và đã không ít lần xảy ra cãi vã, đánh đấm lẫn nhau. D. nhiều lần chịu những cái tát nảy đom đóm và những trận đòn thừa sống thiếu chết của một trong số những tên ăn chơi đó, có lẽ là bồ của D, chỉ vì hắn thua bạc hoặc lên cơn say. Mặc dù cũng là dạng không dễ bắt nạt, nhưng những phản ứng của D. tỏ ra quá yếu ớt đối với kẻ vũ phu kia.

Dường như những cặp nam nữ sống chung thường đánh nhau đã có ý chọn thuê những phòng trọ tách biệt với chủ. Họ tha hồ cãi vã, chửi mắng, đấm đá rồi làm lành. Mới đầu thấy đánh nhau, những người trong khu trọ còn lao vào can, nhưng sau thấy tình trạng này xảy ra như cơm bữa, có can cũng chẳng được, thôi thì mặc họ, muốn làm gì thì làm.

Việc dùng bạo lực để đối xử với người yêu của các đấng mày râu là một hành vi vô văn hóa, vô đạo đức, cần được lên án. Nhưng đó chỉ là một mắt xích tan vỡ cuối cùng của một cuộc sống “tự do” mà người trong cuộc chưa kiểm soát được. Đó cũng là hậu quả của sự buông lỏng quản lý của một số khu nhà cho thuê. Có lẽ những bậc cha mẹ không ai hình dung được cảnh sống của con cái họ nơi thành phố, trong cái thuở “ngọt ngào vòng tay âu yếm” lại là những trận đòn nhừ tử. Chưa ai thống kê xem số nữ công nhân, sinh viên sống tại các khu trọ chịu cảnh bạo hành là bao nhiêu phần trăm, nhưng có một sự thật là họ không dễ thoát khỏi cảnh sống đó...

2 nhận xét:

  1. Trời đất! Bạn nặng nề quá về vấn đề này. Mình chỉ viết về 2 trường hợp cụ thể ở công ty mình và mình quen biết (khá thân đấy). Vì lý do tế nhị nên không dám đưa tên thật thôi (mà cũng chẳng nên đưa để làm gì). Đâu có biết gì về bài báo này đâu. Mà cũng có giống nhau tí nào đâu bạn! Đúng không?
    Mình cũng không có tư tưởng thu hút sự quan tâm của bloger khác đâu. Không để làm gì chuyện ấy cả mà.
    Cám ơn bạn nhé! Bạn viết đi, mình sẽ thường xuyên xem và comment trao đổi nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Lana xin lỗi nhé vì muốn chen ngang (có ý kiến) về 2 chuyện này.
    Lana đọc được đường link của HXH ở bài "Người Việt trị người Việt" trong Blog ĐMT, ban đầu cứ loay hoay tìm sự liên quan, sau lần theo đường links thì biết đấy HXH ý kiến về bài "Tình yêu kiểu quả đấm".

    Lana thật sự quan tâm đến chuyện này vì chính Lana khi du học ở Úc được dạy rất kỹ về bản quyền, về nguyên tắc trích dẫn khi sử dụng bài, ý tưởng... của người khác. Đôi khi Lana phản ứng gay gắt với việc báo, báo điện tử VN mình (kể cả trong dạy/ học, trong giới khoa học nữa) rất 'tự do' trong việc sử dụng sản phẩm của người khác không trích dẫn.

    Riêng với 2 bài HXH đưa ra ở đây thì Lana lại không tìm thấy sự đạo bài HXH ạ. Lana xin viết nhận xét ở đây, nếu có gì xin được cùng 2 anh bàn luận tiếp.

    Về ý tưởng: Bài viết trên NLĐ chỉ trích bạo hành trong t/y và nói về những trường hợp các cô gái là nạn nhân của bạo hành một cách bắt buộc. Họ bị lệ thuộc.
    Bài viết của ĐMT nói về một hiện tượng khác - một kiểu tình yêu mà bạo hành có sự đồng thuận của cả hai bên - cho dù kiểu tình yêu này có vẻ như 'lệch lạc' và khác thường.

    Về văn: Lana cố gắng đọc đầy đủ và so sánh cả hai bài viết, theo những 'chuẩn chung' về trích dẫn mà Lana được học, thì bài của ĐMT cũng không copy nguyên câu, nguyên đoạn từ bài của NLĐ.
    Còn để tả hiện tượng bạo hành và bình luận về nó, thì điều này khá nhiều ở XH mình, nếu quan tâm chắc ai cũng có thể tìm xung quanh một vài trường hợp.

    Cuối cùng xin rất cảm ơn HXH về đường link bài viết "Đạo báo - sự không bình thường của báo chí Việt". Lana rất tâm đắc và chắc sẽ xin trích dẫn đường link này trong những lần Lana muốn nói đến việc 'copy không trích dẫn' - Lana cho là ở VN, từ nhỏ đến lớn, nhiều người không được hướng dẫn ý thức về điều này. Đôi khi họ phạm lỗi một cách không cố ý, lấy của người khác nhưng nghĩ là 'của chùa'. Rất cần để tuyên truyền về điều này để nâng 'dân trí'. Xin cảm ơn HXH.

    Trả lờiXóa